Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: HT.Thích Trí Chơn
Trích từ cuốn sách: "Compassion: The Basis For Human Happiness"
Tôi nghĩ mọi người ai cũng đề cao cái "Tôi" của mình. Chúng ta không thể giải thích tại sao, nhưng sự thực nó là như vậy. Từ đó, con người muốn có hạnh phúc và không thích khổ đau. Đây là điều hợp lý bởi lẽ các bạn có quyền mưu tìm để thành đạt có được hạnh phúc càng nhiều càng tốt, và quý vị cũng có quyền lẫn tránh khổ đau.
Toàn thể lịch sử loài người đã phát triển trên căn bản của ý tưởng này. Thực vậy, theo quan điểm Phật giáo, nó không chỉ giới hạn trong thế giới con người mà ngay cả loài côn trùng bé nhỏ nhất, tất cả đều cố gắng mong có được hạnh phúc và lánh xa khổ đau.
Tuy nhiên, có vài sự khác biệt lớn lao giữa con người và loài vật, nhất là về trí thông minh của con người. Về phương diện hiểu biết, chúng ta đã tiến bộ rất nhiều và có khả năng vượt bực. Các bạn có thể nghĩ tưởng đến tương lai, và trí nhớ lùi lại nhiều năm trong quá khứ. Hơn nữa, chúng ta có khả năng truyền khẩu hoặc ghi chép các biến cố đã xảy ra trong nhiều thế kỷ xa xưa. Hiện tại, nhờ khoa học tiến bộ, quý vị cũng có thể khảo sát các sự kiện xảy ra hàng triệu năm về trước.
Sự thông minh đã giúp con người khôn lanh, xảo quyệt cùng lúc khiến chúng ta đâm ra nghi ngờ và dẫn đến sự sợ hãi. Tôi nghĩ ý tưởng lo sợ được phát triển nơi con người nhiều hơn ở loài vật. Thêm nữa, nhiều cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong gia đình con người, và ngay chính trong gia đình của quý vị, chưa kể đến những cuộc khủng hoảng trong các cộng đồng, hay giữa nhiều quốc gia cũng như giữa những cá nhân - tất cả những cuộc khủng hoảng và xung đột do bất đồng ý kiến hay quan điểm đều bắt nguồn tự sự thông minh của con người.
Cho nên, thực là điều bất hạnh, trí thông minh đôi lúc đã tạo ra tình trạng hoàn toàn không có hạnh phúc. Trong ý nghĩa này, nó trở thành nguồn gốc gây nên nỗi khổ đau cho con người. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cùng lúc, sự thông minh cũng là khí cụ giúp chúng ta có thể khống chế vượt qua những cuộc khúng hoảng và vấn đề khó khăn của con người.
Từ quan điểm này tôi nhận thấy tất cả chủng loại của loài vật đang sống trên quả đất hiện nay, con người là loại động vật đã gây nên nhiều sự khó khăn và rắc rối nhất. Thực đúng như vậy. Tôi nghĩ rằng nếu loài người không xuất hiện trên quả địa cầu thì hành tinh này có thể sẽ được an bình hơn. Và chắc chắn hàng triệu loài cá, gà vịt và nhiều con vật bé nhỏ khác cũng sung sướng được hưởng cuộc sống an lành và hạnh phúc.
Cho nên điều quan trọng là trí thông minh của con người cần được sử dụng theo đường hướng xây dựng. Đó là bí quyết để thành công. Nếu biết dùng đúng đắn khả năng của chúng ta thì con người không những chỉ tránh bớt được sự gây tai hại, khổ đau cho nhau cũng như hủy diệt quả địa cầu mà còn mang lại hạnh phúc cho chính những cá nhân quý vị. Điều đó hoàn toàn nằm trong tay các bạn.
Việc dùng sự thông minh đúng đắn hay sai lầm phá hoại hoặc xây dựng đều do nơi quý vị. Không ai có thể hành động thay chúng ta. Làm sao các bạn biết dùng khả năng của mình cho có lợi ích? Trước tiên, chúng ta cần nhận thức rõ bản tính của con người và nếu quyết tâm, chúng ta có thể chuyển hóa nội tâm con người.
Trên căn bản này, tôi sẽ trình bày bằng cách nào, con người như một cá nhân có thể tìm thấy hạnh phúc, bởi lẽ tôi tin rằng cá nhân là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề. Nhằm cải thiện bất cứ cộng đồng nào, trước hết cần phải cải đổi cá nhân. Nếu cá nhân trở nên con người đạo đức, hiền lành, có tình thương, tức khắc sẽ mang lại sự an lạc cho gia đình và mọi người xung quanh. Khi cha mẹ dùng lời nói dịu dàng, thân yêu với tấm lòng bao dung dạy dỗ con cái sẽ tạo không khí hòa hợp an vui trong gia đình.
Hoàn cảnh xung quanh các bạn có thể không thân thiện và ngay cả trở nên thù nghịch, nhưng nếu làm chủ được ý tưởng của mình thì ngoại cảnh không thể gây xáo trộn đến nội tâm an lạc của quý vị. Trái lại, khi tâm chúng ta nghĩ chuyện ác, thì dù cuộc sống có đầy đủ vật chất tiện nghi với nhiều bạn thân, các bạn vẫn không có hạnh phúc.
Cho nên, đời sống tinh thần quan trọng hơn vật chất bên ngoài. Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng nhiều người hình như lưu ý đến sinh hoạt ngoại cảnh và không mấy chú trọng đến việc tu tập ở nội tâm. Tôi mong rằng chúng ta nên đặc biệt chú ý đến đời sống tâm linh. Có nhiều đức tính cần thiết cho sự an lạc tinh thần và tôi tin rằng một trong những đức tính quan trọng nhất là lòng từ bi và tình thương con người.
Bây giờ tôi xin giải thích ý nghĩa của lòng từ bi. Thông thường, tình thương hay lòng từ bi nhằm chỉ tình cảm gắn bó thân thiết với các bạn bè và những người mà chúng ta thương yêu. Đôi khi lòng từ bi cũng có nghĩa thương hại. Đây là ý tưởng sai lầm - bất cứ tình thương hay lòng từ bi nào nhằm xem thường kẻ khác thì không phải là lòng từ bi đích thực.
Lòng từ bi chân chính cần đặt nền tảng trên sự kính trọng người khác và nhận thức rằng mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc và xa lánh khổ đau như các bạn. Trên căn bản này, khi thấy ai đau khổ, bạn nên phát tâm hết lòng thương xót, cứu giúp cho họ.
Khi quý vị cảm thấy gần gủi, thân yêu với các bạn bè nhưng đây thường là sự tham đắm chứ không phải lòng từ bi. Lòng từ bi chân thực không nên phân biệt hay thiên vị. Nếu bạn chỉ bày tỏ lòng thương yêu các bà con thân quyến, nhưng lại ghét bỏ những kẻ thù hay nhiều người xa lạ không quen biết với chúng ta thì đó là lòng từ bi không bình đẳng với sự phân biệt hay cục bộ.
Như tôi đã trình bày ở trên, lòng từ bi chân thực được xây dựng qua sự nhận thức rằng mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc như các bạn, cho nên ngay chính kẻ thù của quý vị, là con người, họ cũng có chung ước muốn và có quyền hưởng hạnh phúc như mọi kẻ khác. Tình thương được phát triển trên căn bản này, gọi là lòng từ bi, nó mở rộng đến tất cả mọi người, không phân biệt kẻ thù hay bạn.
Một khía cạnh của lòng từ bi này là ý thức trách nhiệm. Khi chúng ta phát triển tình thương, đức tính tự tin nơi quý vị tự động sẽ tăng trưởng lên, sự lo sợ được giảm bớt và tánh quyết tâm được củng cố. Nếu ngay từ đầu quý vị quyết định đúng đắn để hoàn tất một công việc khó khăn thì dù bạn gặp thất bại lần thứ nhất, thứ nhì và lần thứ ba, cũng chẳng sao. Khi mục đích của bạn đã rõ ràng thì quý vị cứ tiếp tục cố gắng. Thái độ lạc quan và sự quyết tâm này là chìa khóa dẫn đến thành công.
Lòng từ bi cũng mang lại cho bạn sức mạnh của nội lực. Một khi nó được phát triển, tự nhiên tâm của quý vị sẽ mở rộng mà qua đó, chúng ta có thể truyền đạt, giao hảo tốt với con người và ngay cả mọi loài chúng sinh trong tình thương bao la. Trái lại, nếu bạn sinh tâm thù hận và ác cảm với người khác thì các ý tưởng bất thiện ấy sẽ quay ngược trở lại nơi quý vị. Điều này dẫn đến kết quả nghi ngờ và sự sợ hãi sẽ tạo nên khoảng cách giữa các bạn khiến cho sự liên lạc, thông cảm giữa quý vị và người khác trở nên khó khăn. Rồi chúng ta cảm thấy bị xa cách và cô đơn. Thêm nữa, các thành viên trong cộng đồng cũng sẽ bày tỏ tình cảm tiêu cực, không mấy thân thiện đối với quý vị.
Nếu bạn ăn ở, cư xử không tốt với kẻ khác, mà lại mong chờ họ đáp trả lại bằng tình thương thì đó là điều nghịch lý, không bao giờ có thể xảy ra. Khi bạn muốn hoàn cảnh xung quanh trở nên thân thiện, thì trước tiên tự mình phải xây dựng cho nền tảng thương yêu đó. Dù cho sự đáp trả của những kẻ khác là có thiện cảm hay không, phần bạn trước hết cần tạo sự thông cảm và yêu thương. Sau đó, nếu người ta vẫn còn đối xử tệ bạc với mình thì lúc ấy bạn có quyền suy nghĩ lại.
Tôi luôn luôn cố gắng xây đắp tình thân hữu với mọi người. Chẳng hạn, khi gặp một người bạn mới, tôi thấy không cần phải tự giới thiệu, vì biết chắc chắn rõ ràng họ là một con người. Trong tương lai, một ngày nào đó, nhờ khoa học tiến bộ, có thể tôi nhầm lẫn một người máy với con người thật, nhưng hiện giờ thì điều ấy chưa xảy ra.
Cho nên khi nhìn thấy nụ cười, hàm răng và cặp mắt tôi liền nhận biết đó là một con người. Trên căn bản của lãnh vực tình cảm và thể xác, tất cả chúng ta đều giống nhau, mặc dù màu da khác biệt. Nhưng dù người Tây Phương có tóc vàng, xanh hay trắng, là điều không quan trọng. Việc chủ yếu là chúng ta giống nhau về phương diện tình cảm. Với niềm tin chắc chắn như vậy, tôi cảm thấy người khác là anh em và sẵn sàng đến gần kết thân với họ.
Trong mọi trường hợp, con người xa lạ ấy luôn bày tỏ thiện cảm và trở thành người bạn thân thiết với quý vị. Đôi lúc thất bại, thì các bạn có quyền phản ứng tùy theo trường hợp. Do đó, một cách căn bản, chúng ta nên tiếp xúc gần gũi với những kẻ khác bằng tâm tình cởi mở và nhận biết rằng mỗi cá nhân là một con người chẳng khác gì quý vị. Cho nên không có sự khác biệt nhiều giữa tất cả mọi người chúng ta.
Bản chất của lòng từ bi là xây dựng môi trường yêu thương và kết quả là nơi đó quý vị sẽ cảm thấy an lành và hạnh phúc. Nơi đâu có người sống với tâm từ bi thì ở đó luôn luôn có không khí tràn ngập yêu thương. Ngay cả loài chó và chim muông cũng dễ dàng gần gũi với kẻ ấy. Gần năm mươi năm trước, tôi có nuôi mấy con chim trong đó có một con két nhỏ tại cung điện nghỉ mát mùa hè Norbulingka ở Lhasa (Lạp Tát).
Vào lúc ấy, tôi có một người hầu cận già, trông dáng bề ngoài không mấy thân thiện, với cặp mắt tròn và rất nghiêm khắc, nhưng ông thường cho chim két ăn hột hạnh nhân. Cho nên khi nghe tiếng ho hay bước chân của ông thì nó tỏ vẻ mừng rỡ. Người giúp việc già của tôi luôn luôn bày tỏ cử chỉ rất thân thiện với chim két và nó cũng biểu lộ cảm tình với ông. Đôi lúc tôi cho chim két ăn hột hạnh nhân nhưng nó không bao giờ tỏ vẽ yêu thích tôi. Tôi dùng que cây chọc phá chim két với hy vọng nó có thể phản ứng tốt đẹp hơn nhưng rốt cuộc chim két vẫn không mấy gì mến chuộng tôi.
Cho nên, muốn có một người bạn thân thương, quý vị cần tạo một môi trường đầy thiện cảm với mọi người xung quanh. Chúng ta là loài vật sống trong xã hội, do đó quý vị cần phải có bạn bè. Làm sao bạn có thể mang nụ cười đến trên nét mặt của mọi người? Nếu bạn tỏ vẽ lãnh đạm và không thân thiện thì rất khó có nụ cười nở trên môi. Nếu quý vị có tiền bạc và thế lực, vài người có thể hiến dâng cho chúng ta một nụ cười giả tạo, nhưng nụ cười chân thật thì chỉ phát xuất từ lòng từ bi.
Vấn đề là làm sao phát triển lòng từ bi. Thực sự chúng ta có thể phát triển tâm từ bi bình đẳng không phân biệt được không? Câu trả lời của tôi là quý vị chắc chắn có thể. Tôi tin rằng bản chất của con người là hiền lành và có tình thương, mặc dù nhiều người trong quá khứ cũng như hiện tại, đều nghĩ rằng căn bản của con người là tàn ác. Bây giờ tôi xin giải thích điểm này.
Vào lúc thụ thai, khi chúng ta còn trong tử cung của người mẹ, tình thương và trạng thái tinh thần an ổn của bà mẹ rất cần thiết cho sự phát triển của bào thai. Nếu tâm của người mẹ phiền muộn, âu lo thì ảnh hưởng rất tai hại đến thai nhi. Bởi lẽ đó là lúc sự sống mới bắt đầu hình thành!
Ngay cả trạng thái tinh thần của cha mẹ vào lúc thụ thai cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, nếu thai nhi hình thành qua sự cưởng hiếp ngoài ý muốn thì đó là một điều khủng khiếp. Muốn sự thụ thai xảy ra thích đáng, cần có tình yêu chân thật và sự kính trọng lẫn nhau giữa đôi nam nữ chứ không phải xuất phát từ lòng cuồng dục. Nếu yêu nhau do sự tình cờ gặp gỡ thì chưa đủ mà đôi bạn đời cần phải hiểu biết rõ và thành thực thương yêu nhau, vì đây là nền tảng của hạnh phúc hôn nhân. Hơn nữa, cuộc sống gia đình cần kéo dài đến trọn đời hay ít ra chung sống với nhau càng được lâu dài càng tốt. Bởi lẽ cuộc sống lứa đôi thực sự bắt đầu từ đó.
Theo nền khoa học y khoa hiện đại, khoảng vài tuần sau khi ra chào đời, bộ óc em bé đang phát triển. Trong thời gian này các nhà bác học bảo rằng, sự tiếp xúc, va chạm thể xác là yếu tố cần thiết đến sự phát triển thích đáng cho bộ óc đứa trẻ. Điều này chứng tỏ cho thấy rằng sự tăng trưởng về thân thể của em bé đòi hỏi đến tình thương của người khác.
Sau khi sanh, một trong các hành động đầu tiên của người mẹ là cho con sữa, và phần việc đứa trẻ là bú. Sữa thường được xem như biểu tượng của lòng từ bi. Không có sữa thì em bé không sống được. Qua diễn tiến về hành động bú sữa của hài nhi cho thấy sự gần gũi giữa bà mẹ và đứa con. Nếu thiếu sự thân thiết, gắn bó thì em bé sẽ không tìm vú mẹ và nếu bà mẹ ghét bỏ đứa trẻ thì sữa cũng không dễ dàng chảy ra được. Cho nên sữa xuất hiện gắn liền với tình thương. Điều này có nghĩa là hành động đầu tiên trong cuộc đời em bé là bú sữa, và đó là biểu tượng của lòng từ bi.
Người ta nhận thấy rằng những trẻ con lớn lên trong các gia đình ngập tràn tình yêu thương sẽ có sự phát triển tốt về sức khỏe và học vấn ở nhà trường. Ngược lại, những em bé nào thiếu sự chăm sóc của tình thương con người sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự tăng trưởng về thể xác lẫn tinh thần. Các đứa trẻ này, khi lớn lên, chúng cũng cảm thấy khó khăn khi bày tỏ lòng yêu thương kẻ khác và như vậy là một đại thảm họa.
Bây giờ chúng ta hãy xét đến giờ phút cuối cùng của đời người là sự chết. Ngay cả vào lúc từ trần, mặc dù người sắp mất không còn có thể nhận được lợi ích gì từ nơi các bạn bè, nhưng trong giờ phút lâm chung, tâm của họ cảm thấy an lạc nếu có nhiều thân hữu đến viếng thăm. Cho nên, suốt cuộc đời từ lúc mới sinh ra cho đến ngày vĩnh viễn từ giả cõi trần, tình thương của con người đóng một vai trò rất quan trọng.
Sự tiếp nhận tình thương không những chỉ giúp cho tâm mình an lạc và thanh tịnh mà còn ảnh hưởng tốt đến sức khỏe thân thể của chúng ta. Trái lại, sự hận thù và ganh ghét sẽ khiến tâm của quý vị bị rối loạn, đảo điên và gây tai hại, ảnh hưởng xấu đến thể xác của các bạn. Ngay cả thân thể của quý vị cũng cần đến tâm an lạc và không thích hợp với sự loạn động. Điều này cho thấy sự mong ước có tâm an bình nằm sẵn trong máu huyết của chúng ta.
Cho nên, tuy có một số người không đồng ý, tôi nghĩ rằng mặc dù bản chất xâm lăng tàn ác là một phần trong cuộc sống của các bạn nhưng sức mạnh ưu thế trong đời sống vẫn là tình thương của con người. Do đó, quý vị có thể làm vững chắc thêm đức tính tốt căn bản ấy mà nó là bản chất của nhân loại.
Chúng ta có thể thực hiện lòng từ bi qua sự thông minh của lý trí. Nếu tôi giúp đỡ và bày tỏ lòng thương yêu một người nào đó thì chính tôi sẽ nhận được sự lợi ích từ việc làm phúc đức ấy. Trái lại, nếu tôi làm hại người khác, thì tự nhiên tôi sẽ gặp khó khăn. Tôi thường nói đùa rằng nếu quý vị thực sự muốn ích kỷ thì nên ích kỷ một cách sáng suốt tốt hơn là ích kỷ với sự ngu muội. Sự thông minh có thể giúp điều chỉnh thái độ của quý vị trong vấn đề này. Nếu chúng ta biết sử dụng nó tốt đẹp, các bạn có thể có được sự sáng suốt để hành động vì lợi ích cho chính bản thân bằng cách hướng dẫn đời mình theo phương pháp sống đầy lòng từ bi.
Do đó, tôi không nghĩ rằng tánh ích kỷ là sai lầm. Tự thương mình là chủ yếu. Nếu quý vị không yêu thương chính mình, làm sao bạn có thể thương yêu kẻ khác? Hình như khi người ta đề cập đến lòng từ bi thì có nghĩa rằng kẻ đó không còn quan tâm hay nói cách khác, là cần phải hy sinh những quyền lợi của bản thân chúng ta. Nhưng điều ấy không hẳn có nghĩa như vậy, mà thực ra, tình thương chân thật trước tiên nhằm nghĩ đến phúc lợi của chính mình.
Có hai loại bản ngã. Một là cái ta chủ trương làm hại kẻ khác, sẽ dẫn qúy vị đến khổ đau. Thứ hai là cái ta được xây dựng trên sự quyết tâm, sức mạnh của ý chí và đức tính tự tin mà "bản ngã" này rất cần thiết. Nếu không có nó, làm sao có thể phát triển được niềm tự tin mà các bạn cần đến để thành tựu được bất cứ công tác lợi ích nào cho mọi người trong đời sống?
Lòng ganh ghét là một đức tính xấu, phá hoại sự hòa hợp. Làm sao chúng ta có thể diệt trừ được nó? Thường khi sự tức giận hay phẫn nộ là nguyên nhân khiến con người sanh tâm đố kỵ. Cơn giận dữ dấy lên như là phản ứng của sự bức xúc và lần hồi nó phát triển biến thành lòng ganh ghét. Điều trước tiên các bạn nên biết rằng sự tức giận là một ác tính xấu xa. Người ta thường nghĩ tâm thù hận là một phần trong cuộc sống của chúng ta, do vậy tốt hơn bạn nên bày tỏ điều ấy ra ngoài, nhưng tôi tin rằng đó là một ý tưởng sai lầm. Và cách hay nhất tôi khuyên quý vị là cần kiểm soát, khống chế sự tức giận để lần lần, năm này qua năm khác, dứt trừ hẳn tánh xấu này trong tương lai. Theo kinh nghiệm của tôi, muốn có kết quả tốt khi nào quý vị nhận thấy rõ nuôi dưỡng tâm hận thù là tai hại cho nên cần phải hủy diệt nó đi.
Khi sắp nỗi cơn giận dữ, bạn có thể tự mình kiềm chế để nhìn thấy mục đích sự căm giận của các bạn dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Bất cứ cá nhân hay hoàn cảnh nào gây nên sự tức giận căn bản cũng đều chỉ có ý nghĩa tương đối. Nếu xét từ quan điểm này, khiến quý vị cảm thấy bực tức, nhưng theo nhận thức khác, bạn lại khám phá ra điều lợi ích tốt đẹp. Ví dụ trường hợp chúng tôi bị mất quê hương và trở thành những người dân tị nạn. Nếu nhìn vấn đề theo cảnh huống này, chúng tôi cảm thấy rất buồn khổ và thất bại, nhưng xét về mặt khác, chúng tôi nhờ vậy mà có cơ hội được gặp gỡ các người bạn mới của nhiều tôn giáo đến từ khắp nơi trên thế giới và vân vân. Với nhận thức linh động và tùy duyên khi nhìn mọi việc xảy ra như thế sẽ giúp chúng ta tu tập, vượt qua mọi khó khăn, để có được sự an lạc.
Cũng có những trường hợp khi bị ốm đau chẳng hạn nếu các bạn càng lo nghĩ nhiều đến cơn bịnh thì quý vị cảm thấy bịnh càng nặng thêm. Trong hoàn cảnh như vậy, cách tốt đẹp và hữu ích nhất là nên so sánh trường hợp bịnh tình của quý vị với những người đang mắc bệnh nặng hơn và vân vân. Nhờ thế mà bạn tự mình cảm thấy được an ủi phần nào. Nơi đây một lần nữa, chúng ta cần nhận thức rõ tính cách tương đối trong hoàn cảnh của quý vị. Nếu so sánh bịnh trạng của bạn với một bệnh nhân đau nặng hơn thì tức khắc bạn sẽ thấy sự đau khổ của mình sẽ được giảm bớt đi.
Tương tự khi gặp các vấn đề khó khăn xảy ra trong cuộc sống, nếu chúng ta quá lo lắng thì sự khổ nhọc sẽ trở nên trầm trọng và lớn lao hơn. Ngược lại, nếu chúng ta giữ tâm bình thản, không mấy chú ý, nghĩ tưởng đến chúng thì các khó khăn đó có thể sẽ giảm bớt và trở thành vô nghĩa. Với các phương pháp này và bằng sự phát triển cái tâm an nhiên, tự tại, không một chút âu lo, quý vị có thể dứt trừ mọi trở ngại khi phải đối đầu với những khó khăn. Cho nên chúng ta thấy rằng sự tinh tấn và cố gắng thường xuyên là rất cần thiết. Trong khi ấy bạn cũng nên mở rộng lòng từ bi và phát triển các thiện tánh của quý vị. Nhờ vậy mà một con người xấu có thể chuyển đổi thành con người tốt.
Hơn nữa, nếu bạn có đức tin tôn giáo thì rất hữu ích khi quý vị làm tăng trưởng thêm các thiện tính trên. Chẳng hạn sách Phúc Âm dạy chúng ta đưa má phải cho người khác đánh, điều này chứng tỏ rõ ràng sự thực hành lòng khoan dung. Theo tôi, bức thông điệp chính yếu của sách Phúc Âm là tình yêu thương tất cả nhân loại và lý do khiến các bạn phát triển lòng bác ái này là vì chúng ta kính yêu đức Chúa. Tôi hiểu đây cũng là ý nghĩa của lòng từ bi bao la. Những lời dạy trong Phúc Âm có khả năng mở rộng và làm tăng trưởng mạnh mẽ các thiện tánh của quý vị. Phật giáo cũng trình bày và hướng dẫn con người nhằm đến cùng một mục đích như thế. Trước tiên, chúng ta cần nhận thức xem mọi chúng sanh đều bình đẳng và sự sống của kẻ khác là quý báu như của chính mình. Do đó, các bạn nên bày tỏ lòng thương yêu đối với tất cả mọi người.
Còn trường hợp đối với người không có tín ngưỡng thì sao? Bạn tin hay không tin theo tôn giáo là quyền của cá nhân. Quý vị có thể hướng dẫn tốt đẹp đời sống của mình mà không cần phải theo một đạo giáo nào. Nhưng khi bạn không còn tin tưởng bất cứ tôn giáo nào, quý vị cũng không nên khinh thường giá trị các đức tính tốt của con người. Bao lâu chúng ta còn là con người và thành viên của xã hội con người, các bạn vẫn cần đến tình thương của con người. Nếu thiếu tình thương quý vị sẽ không có hạnh phúc. Vì tất cả chúng ta muốn được hạnh phúc cũng như muốn có gia đình và bạn bè hạnh phúc, do đó quý vị cần phải phát triển tình thương và lòng từ bi. Điều quan trọng là nên biết rằng có hai loại đời sống tinh thần, một là nếp sống có tín ngưỡng và hai là không có đức tin tôn giáo. Nếu là trường hợp sau thì chúng ta đơn giản nên cố gắng luyện tập để trở thành một con người có lòng từ bi bao la, biết thương yêu mọi người.
Quý vị cũng nên nhớ rằng khi chúng ta tu tập hạnh từ bi, tức khắc hành động của các bạn sẽ trở nên bất bạo động. Bất bạo động không phải là một danh từ xả giao mà là sự thể hiện lòng từ bi trong hành động. Khi tâm bạn chứa chất hận thù thì hành động của quý vị sẽ thường xuyên bạo động, trái lại nếu tâm chúng ta từ bi thì hành động của các bạn sẽ luôn luôn là bất bạo động.
Như tôi đã nói ở trên là bao lâu loài người còn sống trên quả địa cầu này thì luôn luôn sẽ có những ý kiến bất đồng và chống đối nhau. Nếu chúng ta dùng bạo lực để giải quyết mối bất hòa và cơn khủng hoảng thì bạo động sẽ xảy ra mỗi ngày và tôi nghĩ kết quả của nó thực là khủng khiếp. Hơn nữa, thực tế cho thấy chúng ta không thể dùng bạo động để chấm dứt sự bất đồng ý kiến mà bạo động chỉ có thể gây thêm nhiều sự bất mãn và hận thù.
Trái lại, bất bạo động có nghĩa là đối thoại hay dùng lời nói để cảm thông. Đối thoại còn mang ý nghĩa điều đình: lắng nghe quan điểm và kính trọng quyền lợi của người khác trong tinh thần hòa giải. Không ai thắng một trăm phần trăm và cũng chẳng ai thua một trăm phần trăm. Đó là giải pháp thực tế và duy nhất chỉ có con đường như vậy. Ngày nay, thế giới ngày càng thu nhỏ lại cho nên ý niệm về “họ” hay “chúng ta” đã gần như lỗi thời, không còn thích hợp nữa.
Nếu quyền lợi của chúng ta tồn tại độc lập với những kẻ khác thì điều xảy ra là chúng ta có thể hoàn toàn thành công hay hoàn toàn thất bại, nhưng vì thực tế tất cả chúng ta đều tùy thuộc lẫn nhau, cho nên quyền lợi của các bạn và những người khác đều có tương quan liên hệ với nhau. Do vậy, làm sao quý vị có thể thắng một trăm phần trăm? Đó là điều không thể được. Chúng ta phải chia xẻ mỗi bên một nửa, năm mươi phần trăm hoặc có thể sáu mươi phần trăm cho phe này và bốn mươi phần trăm cho bên kia. Nếu không như vậy thì sự hòa giải không cách nào thực hiện được.
Thực tế của thế giới ngày nay cho biết rằng chúng ta cần phải suy nghĩ theo hướng đi như thế. Đây là căn bản chủ trương của chính tôi, chấp nhận con đường “trung dung”. Dân tộc Tây Tạng sẽ không thể thắng một trăm phần trăm bởi vì dù chúng tôi có muốn hay không, thì tương lai đất nước Tây Tạng vẫn còn tùy thuộc rất nhiều ở Trung Cộng. Cho nên trong tinh thần hòa hợp, tôi ủng hộ sự chia xẻ quyền lợi để giúp cho công việc điều đình có thể tiến triển được. Hòa giải là con đường duy nhất. Qua chủ trương bất bạo động có nghĩa là chúng tôi có thể chia xẻ những ý kiến, cảm nghĩ và quyền lợi lẫn nhau, và bằng cách này, chúng tôi có thể giải quyết mọi vấn đề.
Đôi khi chúng tôi gọi thế kỷ thứ 20 vừa qua là một thế kỷ đẩm máu và chiến tranh. Trong suốt thế kỷ này đã xảy ra những cuộc khủng hoảng, đổ máu và sản xuất vũ khí nhiều hơn trước đây. Hiện nay, trên căn bản của những kinh nghiệm chúng ta đã trải qua và học hỏi được từ thế kỷ này, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn về tương lai với hy vọng sẽ là một thế kỷ của đối thoại. Nguyên tắc bất bạo động cần nên thực hành và áp dụng khắp mọi nơi. Điều này không thể đơn giản chỉ ngồi ở đây và cầu nguyện mà đạt được. Nhưng các bạn cần phải nỗ lực tích cực hoạt động và cố gắng nhiều hơn nữa.
No comments:
Post a Comment