Trích từ quyển "Con đường hạnh phúc"
Viên Minh
Nhiều người khi tìm hiểu Phật Giáo đã đặt ra những câu hỏi xa vời như: Niết Bàn là gì? Làm sao biết có kiếp sau? Vũ trụ do đâu mà hiện hữu? Con người từ đâu đến và sau khi chết họ sẽ đi về đâu? v.v. Nhưng ít khi họ nghĩ đến những vấn đề thiết thực như: Đạo Phật có đáp ứng được những nguyện vọng của chúng ta trong hiện tại không? Đối với Đạo Phật, làm thế nào để sống một đời sống hạnh phúc? Đạo Phật có chủ trương xây dựng một xã hội lành mạnh hay không?
Thực tế hơn nữa, câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra nhất là: nhân loại đang đau khổ vì tranh dành lẫn nhau ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quyền lợi, danh dự v.v. Vậy Đạo Phật có giải pháp nào giúp con người thoát khỏi những khổ đau ấy không?
Không phải vấn đề "Niết Bàn hay kiếp sau" hoàn toàn không nên đặt ra để bàn cãi, suy luận, nhưng có những vấn đề thiết thực và cấp bách hơn cần được giải quyết ngay trong chính đời sống hằng ngày của chúng ta.
Trong một cuốn sách viết về Phật Giáo, Đại Đức Ananda nhấn mạnh: "Bí quyết của đời sống thành công và hạnh phúc là luôn luôn làm những việc cần phải làm trong hiện tại, không thắc mắc cho tương lai, không hối tiếc quá khứ."
Nguyện vọng của con người là làm sao để sống một đời sống hạnh phúc, mà bí quyết để tạo nên hạnh phúc phải được thực hiện ngay trong hiện tại.
Chính Đức Phật cũng chỉ muốn giải đáp những vấn đề thiết thực như hạnh phúc của con người chẳng hạn, khi Ngài dạy trong kinh Samyutta Nikàya (Tương Ưng) rằng: "Không nên phiền muộn, hối tiếc những gì đã qua, không nên tò mò tìm hiểu những gì chưa đến. Hãy sống trong hiện tại" (Atìtam nànusocanti nappajappanti nàgatam, paccuppannena yàpenti).
Nhiều lần Đức Phật từ chối trả lời những vấn đề nguồn gốc vũ trụ và con người. Ngài dạy rằng, một người đi rừng bị trúng tên độc, nên để cho thầy thuốc nhổ tên và băng bó, cứu chữa hơn là khư khư hỏi cho bằng được kẻ nào bắn tên, thân thế y ra sao, anh ta sinh trưởng ở đâu v.v. Vị thầy thuốc cũng có thể trả lời cho nạn nhân thoả mãn, nhưng ông ta nhận thấy rằng việc chữa trị vết thương cho nạn nhân mới thiết thực và cấp bách hơn.
Đó là chúng ta chưa nói, nếu Niết bàn là tuyệt đối, siêu việt thì chúng ta làm sao dùng những lời lẽ, những danh từ tương đối, chủ quan để bàn cãi được? Nhiều cuốn sách viết về Niết bàn, Phật tánh v.v. đã cho chúng ta thấy càng bàn luận, vấn đề càng bị hạn hẹp, khô cứng trong rừng ngôn từ ước định. Có khi còn làm vấn đề sai lạc khiến cho độc giả hiểu lầm nữa là khác.
Cũng có khi chúng ta không nên đặt những vấn đề quá cao siêu vượt khỏi trình độ hiểu biết của mình. Như một em bé học tiểu học hỏi toán giải tích hay những vấn đề siêu hình học thì thật là vô ích, vì nếu có giảng giải cho các em thì vấn đề càng rắc rối thêm, càng khó hiểu thêm. Do đó các em nên tập làm tính cộng, trừ, nhân, chia mới hữu ích hơn.
Mục đích của Đạo Phật không phải nhằm thỏa mãn tính tò mò của con người, mà làm thế nào để "chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc" cho nhân loại. Và người muốn được chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc không thể chỉ tìm hiểu hay bàn cãi suông mà phải hành theo lời giáo huấn của Chư Phật.
Đức Phật dạy nguyên nhân của mọi đau khổ là vô minh và ái dục, hay nói một cách khác chính lòng tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc của mọi tranh chấp, oan trái để rồi đem lại những lo âu sầu muộn, bất mãn. Đó chính là những yếu tố làm cho đời sống thoái hóa và khổ đau.
Ngày nọ, có một vị tỳ khưu đang thực hành đời sống xuất gia phạm hạnh trong rừng bỗng nhiên phát tâm hoan hỷ tự bảo mình rằng: "Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!". Rủi vô ý nói lớn quá làm cho những người bạn của ngài nghe được và đem thuật lại với Đức Phật. Đức Thế Tôn muốn nhân cơ hội này thuyết pháp cho các vị tỳ khưu, nên cho gọi vị Đại Đức ấy đến hỏi nguyên nhân. Vị Đại Đức trả lời rằng: "Quả thật con có thốt ra những lời như thế, vì trước kia con là một vị vua có đủ ngọc ngà châu báu, cung phi mỹ nữ, quân binh tướng sĩ... nhưng không ngày nào con cảm thấy yên tâm, luôn luôn con lo sợ bị ngoại xâm, bị nổi loạn và bị cướp ngôi nên phải lo điều binh khiển tướng, trấn giữ biên thùy. Thế mà vẫn phải lo ngại, khổ tâm. Trái lại, từ khi xuất gia, tuy chỉ có Tam Y, Nhất Bát nhưng lại không có điều gì lo sợ, tâm con nhờ thế được an vui tự tại." Đức Phật bèn dạy các thầy tỳ khưu rằng nếu các thầy sống đúng theo đời sống phạm hạnh, không bị dục lạc chi phối thì đời sống sẽ được an vui hạnh phúc.
Kinh Sàmannaphala trong Dìgha Nikàya (Trường Bộ) thuật rằng một hôm Đức Thế Tôn ngự tại Ràjàgha (Vương xá), vua Ajatasastu (A xà thế) đến hỏi Đức Phật về những lợi ích hiện tại của đời sống tu hành.
Ngài dẫn chứng những quả báo thiết thực và dậy rằng các vị Sa môn đã xuất gia chân chính, nếu biết giữ mình theo Giới, Định, Huệ, cố gắng diệt trừ tham, sân, si thì đời sống tự tại, giải thoát sẽ đến với họ ngay trong kiếp hiện tại chứ không cần tìm đâu xa cả.
Mặc dù mục đích tối hậụ của Đạo Phật là chứng ngộ Niết Bàn, nhưng như chúng ta đã thấy mục đích thực tế nhất vẫn là "đem vui, cứu khổ". Bởi vì nếu trong hiện tại ta được an vui tự tại thì kiếp sau dĩ nhiên cũng được an vui tự tại. Nếu hiện tại ta được thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau thì chính là Niết Bàn ở đó vậy.
Chúng ta đồng ý với một số người cho rằng điều kiện của một đời sống hạnh phúc là có sức khoẻ, có tiền tài và có địa vị trong xã hội. Nhưng đời sống hạnh phúc thật ra chưa hẳn đã hoàn toàn tùy thuộc vào những điều kiện vật chất như thế... Vì nếu một người khỏe mạnh, đem sức khỏe của mình làm những điều tội lỗi thì chẳng được ích lợi gì. Người giàu sang sống bỏn sẻn, không tri túc, tham lam vô độ thì đã chẳng tìm được hạnh phúc cho chính mình mà lại còn làm hại đến kẻ khác. Người có địa vị nhưng lại lạm dụng quyền hành thì chỉ rước thêm oan trái oán thù.
Như thế, tiền tài danh vọng chưa phải là yếu tố tiên quyết cho một đời sống hạnh phúc. Trái lại điều kiện đem lại an vui là có tinh thần lành mạnh. Và một tinh thần chỉ có thể gọi là lành mạnh khi không bị dục lạc, oán thù hay mê loạn chi phối.
Trong kinh Dhammapada (Pháp Cú) Đức Phật dạy :
"Kàyena samvaro sàdhu,
Sàdhu vàcàya samvaro
Manasà samvaro sàdhu
Sàdhu sabbatthà samvaro".
Giữ thân trong sạch, hạnh phúc biết bao.
Giữ khẩu trong sạch, hạnh phúc biết bao.
Giữ tâm trong sạch, hạnh phúc biết bao.
Thật vậy, nếu tất cả đều trong sạch thì quả là hạnh phúc cao thượng.
Qua đoạn kinh trên, ta thấy Đạo Phật chủ trương bí quyết cho đời sống hạnh phúc là phải sống trong sạch, thanh khiết từ lời nói, việc làm, cho đến những ý nghĩ thầm kín. Đức Khổng Tử cũng đồng một quan điểm đó khi Ngài dạy trong Tứ Thư rằng mọi người phải biết: "Tu kỳ thân, chánh kỳ tâm, thành kỳ ý" thì thiên hạ mới thái bình.
Trong Pháp Cú kinh, Đức Phật dạy rằng muốn giữ cho hành động, lời nói, ý nghĩ được trong sạch, chân chính thì phải "tránh xa các điều ác, làm các điều lành và giữ tâm trong sạch" (chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo).
1. Tránh các điều ác: Đức Phật dạy giới luật với mục đích giúp chúng ta tránh các điều ác; nghĩa là giữ thân, khẩu trong sạch. Đối với hàng cư sĩ Ngài dạy ngũ giới:
- Không sát sanh: là để rèn luyện đức tánh từ bi. Người không giết hại sanh linh, dù là sinh mạng của người khác hay loài càm thú như thế họ sẽ không gây thêm oan trái, oán thù. Một trong những điều kiện tạo nên đời sống an lành là không có kẻ thù nghịch.
- Không trộm cắp: Người trộm cắp luôn luôn lo sợ bị truy tố trước pháp luật và chính lòng họ cũng thường bị ray rứt, ân hận. Trái lại, người biết tri túc, biết nuôi mạng chân chính không bao giờ phải lo sợ như thế. Không lo sợ thì đời sống sẽ được vui tươi.
- Không tà hạnh: Trong một gia đình nếu vợ chồng hòa thuận, tin yêu, vì chồng giữ đúng bổn phận làm chồng, vợ biết lo tròn phận sự làm vợ, không đứng núi này trông núi nọ và chung lo xây dựng gia đình thì đó chính là một gia đình đầm ấm.Ba điều trên giúp cho thân trong sạch hay nói một cách khác là để kiểm soát hành động hằng ngày của mình. Và hai điều sau đây có mục đích giữ khẩu thanh tịnh:
- Không nói dối
- : là để rèn luyện đức thành tín chân thực. Người chân thực và thành tín được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Dĩ nhiên trong công việc giao tế hằng ngày ai cũng muốn được tín nhiệm vì đó là yếu tố thành công trên đường đời.
- Không uống rượu: Không phải chỉ Phật Giáo mà nhiều Tôn giáo khác cũng dạy tín đồ không nên uống rượu. Vì người say sưa tự hạ phẩm cách của mình. Hơn nữa, theo y học, rượu làm cho mạch máu không co giản được, dễ bị chứng lưu huyết, thần kinh ở não cũng bị ảnh hưởng làm giảm trí nhớ.
Vậy người Phật tử giữ giới chính là để xây dựng một cuộc sống lành mạnh từ thể chất đến tinh thần, chứ không phải vì yếm thế, chán đời.
2. Làm các điều lành: để phát triển đức tính vị tha, nghĩa là sẵn sàng giúp đỡ kẻ khác, Đức Phật dạy phương pháp bố thí. Bố thí cũng còn giúp cho chúng ta loại bỏ dần lòng tham lam keo kiệt và diệt vọng chấp ở ngã sở. Có ba cách bố thí :
- Tài thí: là tùy phương tiện, tùy khả năng của mình để giúp đỡ kẻ khác trong lúc họ túng thiếu về vật chất.
- Pháp thí: là tùy cơ hội hướng dẫn kẻ khác sống đúng theo lẽ đạo.
- Vô úy thí: tức là giữ giới hạnh như chúng ta vừa nói ở phần trên. Vì khi giữ giới chúng ta không hại kẻ khác, không làm cho kẻ khác sợ hãi.
Một người sống không bỏn xẻn, tâm vị tha, quảng đại và bao dung thì chắc chắn được mọi người quí mến. Sống trong một cộng đồng được mọi người kính yêu và khi lâm nguy được mọi người giúp đỡ thì không còn gì hạnh phúc hơn.
Bí quyết cuối cùng giúp chúng ta sống an vui thư thái là:
3. Giữ tâm hồn trong sạch: Đức Phật dạy: "Natthi santipanam sukham" , "Không có gì hạnh phúc bằng tâm hồn yên tịnh". Và danh ngôn Pháp cũng nói rằng: "Sự yên lặng và bình an của tâm hồn ngọt ngào hơn các lạc thú". Thật vậy, khi tâm hồn không bị tham lam, sân hận, si mê, chi phối thì ta sẽ sống vô cùng bình tĩnh và sáng suốt. Đó cũng chính là hạnh phúc cao thượng nhất.
Phương pháp hoàn hảo nhất để giữ tâm hồn trong sạch là tham thiền. Vì theo nguyên nghĩa của chữ Jhana (Thiền na) là đốt cháy phiền não. Chính những phiền não như tham, sân, si, phiền muộn, bức rức, luyến tiếc... làm cho đời sống chúng ta đau khổ. Khi những phiền não này đã bị đốt cháy thì hiển nhiên chúng ta được an vui tự tại.
Chúng ta hãy nghe Paul Adam, một học giả uyên thâm giáo lý Đức Phật đã viết trong bài thơ sau đây :
"Bao kẻ đi tìm trong quá khứ,
Vạn pháp huyền vi của cuộc đời
Bao kẻ tìm trong ngày sẽ lại
Cành hoa chớm nở đượm màu tươi
Nhưng ngươi nên hãy hóa lòng ngươi
Thành đỉnh trầm trong cảnh lặng thôi".
Nói tóm lại, Đạo Phật tuy cao siêu nhưng không quá xa vời thực tế, đúng như một học giả Tây phương đã nói: "Đạo Phật là một phương pháp sống thực".
No comments:
Post a Comment