Tuesday, August 11, 2009

Tâm sở hữu

Sở hữu vật chất có đáng sợ cũng chưa bằng tâm sở hữu những gì qua ý tưởng của mình.

“Có” là phải giữ gìn cũng hơi mệt rồi, nói chi đến vật hay người chưa là “của ta” mà đã có tâm sở hữu.


Bạn thử nhìn một mối tương giao vừa có trong đời. Nếu người bạn đó mình có hơi thiện cảm một chút, thấy họ vui vẻ thái quá với ai, trong tâm đã nghe không bằng lòng, dù mình không có quyền gì để bằng lòng hay không bằng lòng.

Nhận ra kịp thì còn kịp quán chiếu để thả lỏng tâm quan sát và theo dõi đương sự ra, nếu không nhận ra thì quả nhiên đã chuốc sầu khổ vào tâm. Người ngòai biết đều nói, “hắn ta thật vô lý, người đó đã là gì của hắn đâu mà theo dõi kỹ thế!” Nhưng người trong cuộc thì tâm trí cứ ràng ràng buộc buộc những người quanh mình vào tâm. Đâu phải chỉ một người, vì ta có thể có thiện cảm với nhiều người, nhiều vật. Vật mình thích mà người khác có, cũng đã không vui rồi.
Khi nhận ra và biết rằng vô lý, nhưng vẫn không sao thoát khỏi tâm cứ khởi những tư tưởng, gọi chung là “đố kỵ”. Lúc nhỏ thì dùng danh từ “cà nanh”, khi cà nanh tình thương cha mẹ đối với anh em mình, tuy thế chữ “cà nanh” nghe cũng dễ thương hơn (không biết có phải đọc trại ra từ chữ “ganh” hay không).

Cả đời chúng ta bị tâm này dằn vặt không ít. Thấu đáo cho ra lộ trình của những tâm thức này có lẽ không dễ. Vì vừa chạm cảnh là đã nghe tâm khó chịu rồi. Cho nên sự học Phật còn là đoạn đường dài trước mắt, bởi từ học hiểu, đến khi những gì mình hiểu trên ý thức là chính đời sống thường ngày của mình, mọi việc mới thong thả ra.

Chúng ta thường quy cho “bản ngã” nhưng nói chung như vậy cũng khó nhận rõ những gì sinh khởi trong tâm. Duy thức học chỉ rõ từng tâm niệm đang có mặt trong ta. Biết, có nghĩa là tâm thức đó bị ta bắt gặp, nó sẽ lúng túng một chặp, rồi thở dài và… tạm ngưng tiếp nối.

Ngay khi tâm tạm ngưng tiếp nối những gì đang chi phối nó, chúng ta nhẹ lòng không bị sự cấu xé của đau buồn khi thấy người hay vật hình như không phải hoàn toàn là của riêng ta!

Đời sống bình dị hằng ngày, đều nhuốm những màu sắc của lòng vị kỷ này, vì điều này rất tế nhị, khiến đôi khi chính nó đang sinh khởi trong ta, mà chúng ta không nhận ra.

Với những người thô tháo thì lời nói, hành động đều mang tính chất của tranh giành. Luôn giữ rịt điều họ cho là có quyền như thế, và muốn giữ những gì trong tầm mắt, tầm tay dù không thuộc quyền của họ trên pháp lý cũng như trên tinh thần. Người tế nhị chỉ lộ ra kín đáo trên nét mặt, đôi khi cũng không lộ ra, sự đau buồn những gì đang chất chứa chỉ thể hiện trong tâm.

Học Phật, giúp chúng ta trước nhất tự giúp mình qua khỏi những phiền muộn khó nói nên lời. Những phương cách như thường nghe giảng, đọc sách tìm hiểu… là giúp cho chúng ta dễ dàng hơn trong việc thấu rõ diễn biến tâm. Cần thiết hơn có lẽ là nên để dành một vài phút trong ngày để lắng tâm lại, bình tĩnh nghe những vọng động trong tâm mình.

Những gì đang bức bách cần giải quyết trong tâm, chỉ có thể hiểu rõ với một tâm tạm nghỉ ngơi. Nó cần phục hồi sự sáng suốt sau khi đã choáng váng mê mờ vì nghe chính nó có ý kiến quá nhiều!

No comments:

Post a Comment